top of page
Open Site Navigation

Các pháp sư Data Scientist đã giúp Brentford "hack" bóng đá Anh như thế nào?

“Victorious warriors win first and then go to war, while defeated warriors go to war first and then seek to win”

Sun Tzu, The Art of War


Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, người ta nói đó là thời đại kim tiền của bóng đá, nơi mà các CLB như Man City, PSG..., hay gần đây nhất là đại gia Newcastle vươn mình mạnh mẽ với túi tiền thực sự rất sâu (không đáy) của giới chủ CLB.



Điều đó đem lại lợi thế cạnh tranh không thể chối cãi cho những CLB có nền tảng tài chính hùng mạnh trên thị trường chuyển nhượng, trong việc xây dựng thương hiệu và cơ sở vật chất phục vụ cho CLB.


Nhưng một Brentford nhỏ bé lại là một trường hợp đặc biệt thú vị khi đi ngược lại quy luật này, hãy cùng khám phá điều này cùng DOUS.


Phân tích dữ liệu và cách Brentford sử dụng nó


Nếu các bạn đã đọc các Blog trước đây của DOUS thì sẽ rất quen thuộc với cái tên Matthew Benham,

đây chính là ông chủ của CLB Brentford hiện tại, người mà năm 2007 đã cứu Brentford khỏi phá sản bằng một khoản tiền đầu tư $700.000 và chính thức làm cổ đông lớn của CLB.


Benham cũng thành lập Smartodds, một công ty cá cược thể thao thu thập dữ liệu và bán dữ liệu đó cho những tay cá cược chuyên nghiệp. Những người cá cược giàu có này đã trả rất nhiều tiền để sử dụng các mô hình phân tích tiên tiến của Smartodds nhằm mang lại lợi thế cho họ so với phần còn lại. Sau đó, họ đặt cược vào các trận đấu bóng đá bằng cách sử dụng thông tin này. Benham và Smartodds là những người đầu tiên nhận ra sức mạnh của chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) và đã kiếm được hàng triệu USD từ nó.


Không lâu sau khi mua đủ cổ phần tại Brentford để trở thành cổ đông lớn, Benham bắt đầu hợp tác chặt chẽ với câu lạc bộ bằng cách sử dụng dữ liệu của Smartodds để săn lùng những cầu thủ được định giá tương đối thấp so với giá trị thực và mua họ với số tiền nhỏ khi còn ở League One (hạng 3 của Bóng đá Anh). Tất cả đã thay đổi khi họ được thăng hạng lên Championship đồng nghĩa với việc họ có thể thu được nhiều tiền hơn và có nhiều mối quan hệ với những CLB lớn hơn như Leeds, Fulham, Watford để hoạt động trên thị trường chuyển nhượng.


Mặc dù họ đang ở Championship, tiền bạc vẫn là một vấn đề, Brentford có quỹ lương hằng năm khá khiêm tốn, khoảng 13 triệu bảng so với với mức khoảng 40 triệu bảng ở những CLB hàng đầu, nhưng Brentford vẫn được thăng hạng lên EPL trong hoàn cảnh như vậy.


Như đã thấy ở trên, Brentford có quỹ lương tương đối trung bình đến thấp và vẫn được thăng hạng, trong khi một đội như Bournemouth với mức lương gấp gần 4 lần họ còn không thể lọt vào trận chung kết playoff. Quan trọng đó không phải là số tiền bạn có, mà là cách bạn chi tiêu nó. Rõ ràng là bạn càng có nhiều tiền, bạn càng có thể mắc phải nhiều sai lầm khi chi tiêu nó, tiền không có ích gì nhiều nếu nó không được sử dụng để chiêu mộ những cầu thủ phù hợp.


Coi thị trường chuyển nhượng như "Thị trường chứng khoán"


Không lâu sau, Benham nhận ra rằng họ không thể cạnh tranh với các đội khác về mặt tài chính nhưng họ có thể "outsmart" (out trình) những CLB đó trên thị trường chuyển nhượng.

Brentford đã tìm kiếm những cầu thủ được định giá thấp trên thị trường chuyển nhượng và mua lại họ với giá khiêm tốn. Cuối cùng, những cầu thủ đó thể hiện tốt và các CLB giàu có hơn sẽ đến gõ cửa, việc còn lại của Brentford là sẵn lòng chốt deal.


Benham và Brentford biết rằng với những cầu thủ có một mùa giải phong độ tuyệt vời, cuối cùng phong độ đó sẽ thụt lùi về mức trung bình, vì vậy khi các CLB hàng đầu ra giá cao hơn giá trị thực của cầu thủ, họ sẽ chốt lời, thậm chí là chốt lời rất cao.


Cách thức đánh giá một cầu thủ là bí mật riêng của CLB nhưng các bạn có thể phần nào mường tượng ra nó nếu các bạn đã đọc bài viết "Ai là người thay thế tốt nhất cho Virgil Van Dijk mùa giải 20-21 dưới góc nhìn của một Data Scientis" tại DOUS.


Nhiều CLB nhỏ có xu hướng cố gắng giữ những cầu thủ hàng đầu của họ ngay cả khi các CLB khác ra một mức giá khá lời với giá trị thực, cho đến khi những cầu thủ đó đi xuống, họ lại bán với một mức giá thấp hơn rất nhiều. Hoạt động trên thị trường chuyển nhượng như trên "Thị trường chứng khoán" là chìa khóa giúp họ tạo ra doanh thu để cạnh tranh khi không có sự hỗ trợ tài chính như các CLB khác. Những bản hợp đồng đáng chú ý mà họ đã thực hiện bao gồm Neal Maupay, Saïd Benrahma, Andre Gray và Ivan Toney, mặc dù sau này Ivan Toney vẫn chưa rời Brentford, đừng ngạc nhiên nếu Brentford bán Ivan Toney với giá lên tới 40 triệu bảng.

Các bản hợp đồng đáng chú ý của Brentford


Bảng trên có một vài cầu thủ đã được Brentford bán với lợi nhuận khá lớn, trong đó có những cầu thủ đáng chú ý như Benrahma, Watkins và Maupay. Brentford nhận thấy rằng đó là những cầu thủ bị định giá thấp và ngay lập tức Brentford mua họ với một giá rất hời, sau đó bán họ với lợi nhuận khổng lồ sau một thời gian ngắn. Một ví dụ nữa là Andre Gray, cầu thủ hiện đang chơi cho Watford, anh ấy chưa bao giờ chơi bóng chuyên nghiệp trước khi được Brentford kí hợp đồng, sau khi thăng 3 hạng liên tiếp trong 3 năm cùng Brentford và đang có phong độ rất tốt, Andre Gray đã bị bán với mức giá 11.2 triệu bảng. Ngay sau thời điểm đó, Andre Gray đã thụt lùi một cách đáng tiếc, cho thấy rằng Brentford đã đúng khi ra quyết định bán hơn là cố gắng giữ lấy anh ấy như những CLB khác có thể đã làm.


Điều hành CLB một cách hết sức đặc biệt


Khi Brentford được thăng hạng lên Championship (giải hạng hai sau EPL), Mathew Benham quyết định đại tu và tái cấu trúc CLB. Benham đã thực hiện điều này bằng cách tước bỏ quyền lực chuyển nhượng từ tay HLV và giao lại cho hai "giám đốc" của CLB theo định nghĩa mới. Điều này đã mang lại một cuộc tranh luận lớn, HLV khi đó bị sa thải và người hâm mộ chế nhạo phương pháp của Benham.


Công việc "Giám đốc" tại Brentford là theo dõi hợp đồng của các cầu thủ cũng như sắp xếp những người thay thế tiềm năng cho những cầu thủ hiện tại. Họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng cầu thủ và đề xuất các mục tiêu tiềm năng.


Mặt khác, HLV có nhiệm vụ đưa ra các chiến thuật và quản lý ban huấn luyện. Tại mùa giải 2021/2022, hầu hết các CLB tại Anh đều sử dụng phương pháp này nhưng vẫn dựa nhiều vào ý kiến của HLV về việc người sẽ ký hợp đồng. Việc chọn cầu thủ theo í kiến của HLV có thể được chứng minh là có vấn đề vì HLV có xu hướng bị sa thải thường xuyên nếu đội hoạt động kém hiệu quả, khi đó những con người với triết lí của HLV cũ có thể sẽ không còn phù hợp với HLV mới, và điều đó mang lại sự lãng phí khủng khiếp khi vòng tuần hoàn này lặp lại với tần suất cao.


Một ví dụ về điều này là Arsenal: khi Unai Emery bị sa thải, đã để lại những cầu thủ không phù hợp với hệ thống của Arteta, nghĩa là phần lớn đội hình phải bị bán đi và những cầu thủ mới được đưa về. Manchester United cũng vậy, Rashford là cầu thủ duy nhất vẫn ở lại "nhà hát" kể từ lần cuối cùng họ giành được danh hiệu vào năm 2017 dưới thời Jose Mourinho. Điều quan trọng cần lưu ý là Brentford rất hiếm khi ký hợp đồng với một cầu thủ mà Huấn luyện viên trưởng không thích và nếu Huấn luyện viên trưởng muốn một cầu thủ nhưng họ xếp hạng kém trong các mô hình thống kê của Brentford, thì cầu thủ đó có thể sẽ không được ký hợp đồng.

Bằng cách làm này, Benham đã hạn chế quyền lực chuyển nhượng của HLV và để chúng được thực hiện bởi các nhà phân tích ít cảm tính hơn và dựa trên dữ liệu nhiều hơn.


Đó có phải là một mô hình bền vững?


Mùa giải vừa qua, Brentford đã được thăng hạng lên EPL và nhiều người hâm mộ bao gồm cả tôi nghĩ rằng họ sẽ trở lại Championship cùng "người bạn thân" Norwich. Nhưng không, họ đã đứng thứ 13 và có chiến thắng ấn tượng trước Arsenal và vùi dập Chelsea 4 bàn Stamford Bridge. Điều kỳ lạ là Brentford thi đấu kém cỏi ở mùa giải này với tổng số điểm thực tế kém xa tổng số Điểm mong đợi của họ, số điểm mà họ sẽ có một suất ở Europa League. Mặc dù điều này có vẻ là một điều tồi tệ, nhưng nó cũng cho thấy rằng họ đã tương đối kém may mắn.

Điểm kỳ vọng và điểm thực tế của các CLB tại EPL 2021/2022


Hình ảnh trên so sánh điểm thực tế của các đội Ngoại Hạng Anh với điểm mong đợi được máy tính dự đoán trước khi giải đấu bắt đầu. Bất kỳ đội nào có chấm màu đỏ là có điểm thực tế kém hơn điểm mong đợi và màu xanh là ngược lại. Xếp gần cuối bảng là Brentford với khoảng 46 điểm, nhưng lý tưởng nhất theo tính toán, họ nên đạt gần 60 điểm, tức là khoảng thứ 7, trên cả Manchester United và West Ham. Một sự góp mặt bất ngờ khác là Crystal Palace xếp thứ 6 về điểm mong đợi nhưng lại cán đích ở vị trí 12.


Điều này cho thấy rằng sử dụng phân tích dữ liệu trong bóng đá là một phương pháp khá bền vững có thể giữ một CLB ở Ngoại Hạng Anh và đạt được thành tích thăng hạng liên tiếp từ các giải đấu thấp hơn. Mặc dù vẫn còn phải chờ xem liệu Brentford có tiếp tục ở lại Premier League trong mùa giải này hay không, nhưng vẫn rất ấn tượng khi thấy những gì họ đã làm và có thể trở thành hình mẫu cho các CLB nhỏ khác sử dụng. Có lẽ không phải ở quy mô như Brentford đã làm, nhưng nó vẫn có thể làm được.

Đó là kết thúc của bài viết, cảm ơn bạn đã đọc tới đây và hy vọng, bạn thấy thú vị về cách các pháp sư Data Scientist ở Brentford "hack" bóng đá hiện đại.


Cảm ơn những tác giả đã đóng góp cho bài viết này đặc biệt là Mr.E, Mr.NV !

Hãy đón chờ DOUS ở những phần tiếp theo… From Dous with Love !





1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page